Lượng mưa hai ngày 10 và 11/10 lên tới 400 mm, nên 7h sáng nay, thủy điện Hòa Bình phải mở 7 cửa xả đáy. Nhà máy này báo cáo có thể phải mở thêm một cửa xả đáy do lưu lượng nước về hồ dự báo lên đến 12.000 m3/s.
“Đây là đợt xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua của thủy điện Hòa Bình. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm, cấp tập, nên có thể ảnh hưởng đến vùng hạ du”, ông Nguyễn Đức Quang - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai nói.
Thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả đáy, 6 cửa xả mặt. Năm 2007, thủy điện này từng phải mở 6 cửa xả đáy.
Người dân hiếu kì đội mưa đến xem thủy điện xả lũ.
Chủ tịch Hội đập lớn Phạm Hồng Giang cho rằng, việc mở cửa xả của thủy điện Hòa Bình được thực hiện theo quy trình thiết kế để không gây ảnh hưởng đến an toàn đập khi mực nước dâng cao. Tuy nhiên, trước khi xả lũ phải có thông báo trước để người dân phòng tránh.
Theo ông Phạm Hồng Giang, thủy điện Hoà Bình xả lũ không gây ảnh hưởng lớn đến thủ đô. “Hệ thống đê của Hà Nội được thiết kế trên 15 m. Mực nước hiện nay chỉ hơn 10 m nên sẽ không gây ảnh hưởng”, ông Giang nói.
Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN cho hay, chưa năm nào cùng lúc nhiều hồ xả lũ như năm nay. Trong cơn bão số 10 (tháng 9) cùng lúc là 52 hồ xả lũ; từ hôm qua đến sáng nay, đã có 40 hồ xả lũ.
Cuối tháng 7, đợt mưa lũ kéo dài hơn một tháng khiến mực nước thượng nguồn lên cao, thuỷ điện Hoà Bình phải mở ba cửa xả. Việc này dù không tác động tới các điểm xung yếu của hệ thống đê điều, nhưng làm 170 tấn cá lồng bè của dân chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Nước xả lũ từ thủy điện Hòa Bình chảy xuống, có đoạn dâng cao đến ngọn cây chuối.
Theo vnexpress.net
Chuyển đổiChuyển đổi Cảm xúcCảm xúc