Thông báo đổi tên miền truy cập từ hb.tuyetvl.com sang hb.tuyetvoi.net

Vị lương y trị bệnh xương khớp với bài thuốc gia truyền 7 đời

hb.tuyetvl.com - Dù còn trẻ tuổi nhưng lương y Bùi Tiến An (SN 1986, người dân tộc Mường, trú tại xóm Vôi, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình - ảnh) đã có thâm niên chữa bệnh xương khớp hơn 10 năm nay. Thừa kế từ bài thuốc gia truyền 7 đời của gia đình và được đào tạo đông y cơ bản, những năm qua, anh vừa cứu giúp hàng trăm người khỏi bệnh vừa chăm lo sức khoẻ cho hàng ngàn học sinh tại một trường THCS của xã.




Bài thuốc bí truyền

Sau một hồi hỏi thăm, qua những khúc đường quanh co của vùng núi sơn thuỷ hữu tình Lạc Thuỷ, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được nhà của lương y Bùi Tiến An ở cuối xóm Vôi (xã Thanh Nông). Sau cái bắt tay, lương y mời chúng tôi vào nhà trò chuyện: “May mà các anh đến buổi trưa chứ thường ngày tôi phải trực ở trường, ngày nghỉ thì nhà lúc nào cũng đông kín bệnh nhân, có khi làm từ sáng đến tối vẫn chưa được nghỉ”.

Căn nhà của lương y Bùi Tiến An tuy không lớn nhưng được quy hoạch một cách quy củ, có đầy đủ các khu phòng chờ của bệnh nhân, khu thăm khám và khu điều trị bệnh - tất cả do một tay anh đảm nhiệm, không có bất cứ nhân viên hay người phục vụ nào. Anh tâm sự: “Khi còn nhỏ, mình đã phụ việc ông nội, rồi đến cha mình. Việc phân biệt cây thuốc rồi đến học cách chữa bệnh mình dần nắm vững. Biết đến đâu thì giúp mọi người đến đó, chữa bệnh cho người dân là công việc tốt vì mục đích cứu người, giúp đời”.

Từ ngày xưa, gia đình anh đã có nghề bốc thuốc, không chỉ người trong xóm, ngoài bản mà người ở những xã, huyện vùng lân cận cũng đến nhờ gia đình giúp đỡ. Trong tất cả các bài thuốc, bài thuốc chữa bệnh về xương khớp là hiệu quả hơn cả. Lương y Bùi Tiến An khẳng định: “Dù đã có bài thuốc gia truyền nhiều đời, song tôi vẫn đi học thêm kiến thức về đông y nhiều năm. Do đó, tôi có thể xử lý những ca gẫy xương từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đến những sự cố trong cuộc sống”.
Trong phòng của anh treo rất nhiều bức tranh minh họa về cơ thể con người, nhất là cấu tạo của bộ xương. Nói về công việc của mình, thầy An tự tin khẳng định: “Chưa có ca nào tôi chịu bó tay, kể cả những ca chấn thương nặng hay bị tai nạn giao thông tôi cũng chữa được. Có những ca bệnh chữa ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) 7-8 tháng vẫn chưa lành, nhưng tôi lại chữa được. Việc chữa bệnh của tôi khác với các thầy lang khác là sau khi “đọc” phim chụp X-quang của bệnh nhân, tôi mới quyết định cách điều trị. Anh An cũng giải thích thêm: “Người công chức, nhân viên văn phòng có cách chữa khác, còn đối với người lao động nặng thì phải có phương pháp khác. Cho dù là gẫy xương giống nhau nhưng không phải ai cũng cùng một cách chữa”.

Những ngày cao điểm, cơ sở của thầy An chữa trị tới hàng trăm bệnh nhân. Trong đó, nhiều bệnh nhân đến từ các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội... Nhiều người trong số họ đã khỏi bệnh, như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hòa (40 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định). Sau khi bị tai nạn lao động, anh Hòa tưởng phải nằm một chỗ nhưng nhờ lương y Bùi Tiến An chữa trị, sau 3 tháng anh đã đi lại bình thường, khoảng nửa năm thì anh đã trở lại với công việc hàng ngày.

Chữa bệnh bằng cái tâm

Trên thực tế, lương y Bùi Tiến An không nhớ hết được có bao nhiêu bệnh nhân đã được anh chữa trị, bao nhiêu bệnh nhân đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, do chữa bệnh bằng cái tâm nên lương y Bùi Tiến An không đặt nặng vấn đề vật chất, tiền bạc. “Nếu tôi lấy tiền thì có người sẵn sàng đưa tôi cả trăm triệu đồng miễn sao khỏi bệnh, nhưng tôi chỉ lấy tiền công là chính, có khi chỉ bằng phần nhỏ so với chi phí ở bệnh viện”, anh nói.

Chính vì “tiếng lành đồn xa” nên nhiều cán bộ huyện, tỉnh cũng tìm đến nhờ anh chữa trị. Bên cạnh đó, lương y Bùi Tiến An còn nhận được lời mời từ những bệnh viện đầu ngành ở Hà Nội, nhờ anh tới viện phối hợp với các bác sĩ điều trị cho những ca bệnh phức tạp.

Khi chúng tôi muốn tìm hiểu về những cây thuốc dùng trong việc chữa trị xương khớp, lương y Bùi Tiến An không hề giấu diếm. Bài thuốc bao gồm gần chục loại lá cây dược liệu mọc ở trong rừng Lạc Thủy. Những lá cây này được trộn với nhau rồi đắp vào những chỗ xương khớp đau. Anh cho biết: “Theo y học cổ truyền, bệnh xương khớp thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân do vệ khí của cơ thể không đầy đủ, các tà khí như phong hàn, thấp, nhiệt xâm phạm vào gân cơ, khớp xương, kinh lạc làm sự vận hành của khí huyết bị tắc lại, gây sưng đau các khớp. Người già can thận bị hư hoặc bệnh tật lâu ngày làm khí huyết giảm sút cũng là nguyên nhân làm xương khớp bị thoái hóa, biến dạng, teo cơ và dính khớp.

Còn theo đông y, đau nhức xương khớp là do lưu thông khí huyết ở gân cơ xương, đưa tà khí (phong hàn, thấp nhiệt) ra ngoài, cần bồi bổ khí huyết can thận nhằm hồi phục chức năng bình thường của các khớp xương. Đây cũng là một cách chữa bệnh xương khớp thường được nhiều người áp dụng. Biểu hiện của bệnh là đau nhức khớp do thoái hóa khớp, đau lưng, ù tai, ngủ ít, nước tiểu trong, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần, mạch trầm tế.

Một số bài thuốc mà lương y Bùi Tiến An thường áp dụng vào việc chữa trị là: Lấy lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi đổ nước nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Cũng có thể dùng một ít đu đủ, mễ nhân sống (30g), rửa sạch cho vào nồi nhỏ, đổ vào một chén nước, để nhỏ lửa nấu cho tới khi thấy mễ nhân chín mềm thì cho vào một ít đường trắng; dùng một thời gian dài sẽ thấy bớt hẳn chứng đau lưng. Hoặc dùng lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, mỗi vị 30g; tất cả đều dùng tươi, thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, để cạn còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày; uống liên tục trong 7 ngày. Với bệnh viêm khớp mãn tính có thể dùng rễ cây trinh nữ đã thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm (20-30g) sắc với 400ml nước, để cạn còn 100ml, uống 2 lần trong ngày.
Trao đổi với bà Bùi Thị Nụ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Nông, được bà cho biết: “Ngoài việc thừa kế bài thuốc chữa xương khớp từ các cụ truyền lại, lương y Bùi Tiến An còn là hội viên hội đông y của xã, huyện và thường xuyên tham gia các buổi hội thảo về nam y, biệt dược, nhất là việc sử dụng những cây thuốc quý dân gian vào công tác chăm lo sức khoẻ cho người dân do tỉnh Hoà Bình tổ chức”.

theo báo Lao Động