Thông báo đổi tên miền truy cập từ hb.tuyetvl.com sang hb.tuyetvoi.net

Trống đồng – Báu vật xứ Mường

hb.tuyetvl.com - Trống đồng trở thành một phần trong văn hóa, tâm thức, tạo lập một vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường ở Hòa Bình.

Văn hoá Hoà Bình là một nền văn hóa đa dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm một tỉ lệ khá lớn tới hơn 60% dân số. Văn hoá Mường và những nền văn hoá khác đã tập hợp lại và làm nên những nét riêng của văn hoá Hoà Bình. Bản sắc văn hoá Hoà Bình bao gồm: văn hoá Cồng Chiêng, các truờng ca, văn hoá ăn, ở, mặc và đặc biệt là văn hoá trống đồng. Vốn là người dân tộc Mường, hơn 30 năm nay ông Bùi Thanh Bình đã sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Sau những năm tháng miệt mài tìm kiếm, bảo tàng của ông đã có vô số hiện vật về cuộc sống, văn hóa và con người Mường. Một trong số đó phải kể đến những chiếc trống đồng của người Mường.


Những chiếc trống đồng được sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là những hiện vật vô giá trong các giai đoạn phát triển của nền văn hóa Hòa Bình.

Hiện nay, tổng số trống đồng phát hiện được tại Hoà Bình đến nay là 112 chiếc. Ngày xưa, trống Đồng rất được coi trọng, nó vừa là một công cụ, vừa là nhạc cụ và được sử dụng hầu hết trong các nghi lễ quan trọng : tế thần, cầu mưa, hội hè, tang lễ. Trống Đồng là biểu hiện của uy quyền, của giàu sang, của thế lực. Tiếng trống đồng là hiệu lệnh thúc giục tiến quân khi có kẻ thù xâm lăng đất nước, là vật tuỳ táng theo người quá cố. Chính vì vậy, trống Đồng còn mang những giá trị về tôn giáo, xã hội.

Theo sự phân loại của Heger- một học giả người Áo, đưa ra từ năm 1902, trống đồng Hoà Bình được xếp vào loại trống Heger II. Cách phân loại này của ông đã được số đông học giả trên thế giới cũng như các nhà khoa học Việt chấp nhận trong việc nghiên cứu về trống đồng Việt nói chung, trống đồng Hoà Bình nói riêng. Về hình thức, trống đồng Mường vẫn còn giữ khá nguyên vẹn những truyền thống của trống đồng Đông Sơn. Các hoa văn trang trí trên trống Heger II khá phong phú, đi từ xu hướng hình học hoá, cách điệu hoá đến xu hướng tả thực và ở giai đoạn cuối lại quay về lối trang trí hoa văn hình học hoá. Trống Heger II, trên mặt trống thường có 4 con cóc tượng trưng cho việc gọi nước về giúp cho mùa màng.

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, trống đồng Heger II xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài, phân bố trong một không gian khá rộng, tập trung ở những vùng cư trú của người Mường. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng thuật ngữ “không gian Mường” để xác định sự phân bố của trống đồng Hoà Bình. Dù ngày nay, vấn đề tìm hiểu, kết luận một cách chính xác nguồn gốc kỹ nghệ chế tạo, nguồn gốc của mục đích chế tạo, nguồn gốc về chủ nhân sử dụng…chưa có được lời giải đáp thoả đáng, song sự hiện diện của loại trống đồng Heger II trên vùng cư trú của người Mường trong gần một thiên niên kỷ là một bằng chứng hùng hồn của truyền thống Đông Sơn, là sự tiếp nối và sáng tạo nền văn hoá, văn minh Việt cổ.

Từ những giá trị tự thân của hiện vật, có thể khẳng định trống đồng là tài sản quý giá được coi là báu vật mà cha ông để lại, là biểu tượng của nền văn minh và văn hoá Việt Nam thời dựng nước. Trong đó, Hoà Bình là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng nhất trong cả nước. Trống đồng đã từng gắn bó với cuộc sống của người Mường. Trở thành biểu tượng văn hoá, làm nên bản sắc Mường nên việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của trống đồng chính là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc trưng của dân tộc Mường.

Xem nội dung chi tiết tại đây:


VOVGiaoThong.vn
Video: Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam