Thông báo đổi tên miền truy cập từ hb.tuyetvl.com sang hb.tuyetvoi.net

Bánh chưng của người Mường

hb.tuyetvl.com - Cứ hàng năm gia đình chị Thiều lại chuẩn bị gói và luộc nồi bánh chưng chuẩn bị cho ngày tết nguyên đán. Chị luôn quan niệm có nồi bánh để các con quây quần bên bếp lửa cho không khí tết thêm ấm cúng.

Gói bánh chưng sớm mong con “xa xứ” về ăn tết.

Chị Quách Thị Thiều (51 tuổi) là người con đất Mường thuộc bản Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành, (Thanh Hóa). Từ khi còn nhỏ chị Thiều đã được các cụ truyền dạy cách gói bánh chưng cổ truyền trong ngày tết để dâng lên bàn thờ gia tiên. Với người dân tộc Mường chiếc bánh chưng trong ngày tết còn được đem đi biếu người thân, hàng xóm để mọi người cùng ăn thử và cảm nhận mùi thơm từ hương nếp nương của mỗi nhà.


Chị Thiều mặc áo vàng bên phải.

Năm nào cũng vậy chị Thiều phải hái bằng được lá dong rừng mang về để gói bánh. Năm nay được tin các con đi làm công nhân tận trong Sài Gòn về quê, nên chị đã chuẩn bị đồ nghề gói bánh sớm hơn. Chị tâm sự: “Ba năm rồi chưa có đứa con nào về quê ăn tết ở nhà, tết năm nay chúng nó về cả vậy nên gia đình phải gói nhiều bánh chưng cho các con nó ăn chú à”.

Bánh chưng của người dân tộc Mường còn là một nét văn hóa tinh thần chứa đựng cuộc sống cộng động làng bản. Khi đến thăm nồi bánh chưng của gia đình người Mường hễ gia đình nào thấy luộc nồi bánh chưng to là năm đó gia đình này được mùa lớn. Năm nay gia đình chị Thiều mất mùa vì lụt bão nhưng chị mừng vì các con về quê, vì vậy chị đã chuẩn bị gạo, thịt, đậu xanh từ một hôm trước. Gạo phải là gạo nếp “mộc châu” thơm lừng được chị cất công trồng tận trên lưng đồi. Nhân bánh chị Thiều mua bằng được thịt nạc của con lợn mán làm mới ngon.


“Mế” Ào mẹ chồng chị thiều cũng gói bánh chưng cùng cô con dâu

Chị Thiều từ khi lập gia đình ít khi chồng con được về ăn tết sum vầy. Trước đây anh Sơn chồng chị đi bộ đội đóng quân tận bên biên giới nước bạn (Lào) nên chị thường ăn một cái tết buồn tẻ. Sau khi vợ chồng sinh được 3 đứa con trai, anh Sơn lần lượt đặt tên các con là Chiều, Biên, Cương. Vì hoàn cảnh gia đình nên cả 3 đứa con chỉ học hết lớp 12 rồi vào miền nam làm công nhân. Mặc dù các con đang trên đường về quê nhưng năm nay chị Thiều đã gói bánh chưng trước tối 30 tết để chờ con về.

Bánh chưng của người Mường ngoài gói bằng lá dong họ còn lấy lá dừa đóng thành khuôn hình vuông để tạo thành nhiều nếp trồng đẹp mắt hơn. Mùng 1 tết là ngày cục kỳ quan trọng của người Mường, những chiếc bánh chưng thơm lừng trong ngày này sẽ được đem biếu cho họ hàng ăn và biết sự khác biệt trong mỗi chiếc bánh của từng nhà.

Dạy cách gói bánh chưng là một nét văn hóa 

Tết của người Mường gia đình nào cũng phải thịt một con lợn to, và không thể thiếu nồi bánh chưng. Trong quá trình làm bánh chưng công đoạn luộc bánh cực kỳ quan trọng. Người luộc phải trông cho nôi bánh cạn nước mới chín, quá trình luộc là thời gian cả một đêm, thường thì bắt đầu luộc đêm 29 tết.


Chị Thiều gói bánh và hướng dẫn cho con cháu cách gói bánh chưng truyền thống.

Khi gói bánh người Mường có tập tục dạy cho con cháu cách gọi bánh chưng sao cho đẹp. Đối với người con gái Mường, khi sắp đến tuổi lấy chồng quan trọng nhất là phải biết gói bánh chưng ngày tết, nếu cô gái đó không biết gói bánh chưng sẽ được cho là vụng về. Vì vậy các “mế” bản sẽ tụ tập con cháu ngồi quây quần ngay trên gác nhà sàn để hướng dẫn cách gói. Khi gói xong những chiếc bánh sẽ được đem đi luộc, nồi bánh chưng của chị Thiều luôn có mùi thơm đặc trưng, khi ăn phải cảm nhận được vị bùi của nhân thịt lợn hòa quện với hương đậu xanh.

Chiếc bánh chưng của người Mường hiếm nơi nào giống được, vì gạo nếp phải là gạo trồng trên nương, nhân làm bằng thịt lợn “cắp nách”. Ngoài gạo và thịt là nguyên liệu chủ yếu, lạt gói cũng được chị thiều vào tật trong rừng chặt cây dang về tước ra. Người Mường khi mừng tuổi cho bố mẹ đẻ họ không có lỳ xi mà họ mang cơm nếp nương, thịt lợn chín gói vào lá chuối đem cho ông bà. Thịt lợn gồm tất cả những thứ ngon nhất của con lợn như: dồi, chả, sườn, thịt xiên nướng...Và không thể thiếu rượu làm bằng men lá, cùng vài chiếc bánh chưng.


Ba mẹ con quây quần cùng nhau gói những chiếc bánh chưng.

Với quan niệm này, năm nay gia đình chị Thiều gói 40 chiếc bánh chưng trong đó gói 10 chiếc bánh to nhất để đặt lên bàn thờ gia tiên. Riêng bánh chưng to sẽ được con cháu mang lên nhà ông bà nôi, ngoại trước một hôm để đặt lên bàn thờ. Chiếc bánh chưng được đặt lên bàn thờ sẽ chứa đựng ý nghĩa tâm linh đồng thời người con còn báo cáo lên gia tiên về tập tục truyền thống của dân tộc.

Ngoài gia đình chị Thiều chúng tôi còn đến thăm gia đình anh trưởng bản Quách Minh Hưng. Anh cho biết: Trong bản làng người Mường nét văn hóa dạy con cái gói bánh đã có từ xa xưa, đặc trưng của chiếc bánh chưng ở đây phải là gạo nếp trồng trên nương khi luộc chín ăn mới thơm và dẻo. Năm nay nhà tôi cũng luộc 50 cái bánh chưng để ăn và biếu người thân”.

Dù người Mường, Kinh hay Thái… họ đều tạo ra nhưng chiếc bánh chưng mang hương vị đặc trưng riêng. Xong chiếc bánh chưng quả thật là một món ăn độc đáo, nó là một bằng chứng cụ thể khiến Việt Nam trở thành một nước phong phú đa dạng về văn hóa ẩm thực. Đặc biệt là văn hóa bánh chưng trong ngày tết cổ truyền.

Theo Minh Phượng (Minh Phượng)