Rượu cần của người Mường ở tỉnh Hòa Bình là một loại đồ uống truyền thống được sản xuất theo kinh nghiệm bí truyền và là sản phẩm đặc sắc trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nhưng hiện nay vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở sản xuất rượu cần không theo qui trình truyền thống đã làm ảnh hưởng đến danh tiếng và chất lượng của sản phẩm này.
Rượu cần thường được dùng trong những dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền, hoặc đám hiếu hỷ có đông người tham dự ở các bản làng của đồng bào Mường. Hiện nay, ở Hòa Bình có gần 200 cở sở sản xuất rượu cần cung cấp hàng vạn vò ra thị trường; tập trung nhiều ở khu vực thị xã Hòa Bình, huyện Lương Sơn. Do thấy kinh doanh rượu cần có lãi, nhiều ông chủ lớn ở Hà Nội và các vùng lân cận tới các địa chỉ có tiếng ở các vùng “mường Bi, mường Vang“ tìm đối tác sản xuất rượu cần thương phẩm. Họ đầu tư vốn, còn người bản xứ đảm nhiệm về mặt kỹ thuật.
sở hữu trí tuệ giúp rượu cần Hoà Bình giảm hàng "chợ"
Được biết, mỗi vùng Mường tại Hòa Bình có công thức làm rượu cần riêng, nên có hương vị khác nhau. Tuy nhiên, nguyên liệu nhìn chung gồm có nếp than, men lá, lá thuốc, vỏ trấu. Trong nguyên liệu làm rượu cần thì men là quan trọng nhất, nó quyết định rượu có ngon hay không. Men rượu ngon là men truyền thống của người Mường được làm từ 24 nguyên liệu từ ớt, gừng, riềng, lá mít, ổi và nhiều lá cây rừng như lá mâm xôi, vỏ long não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi... trong men lá rừng không bao giờ thiếu là vỏ cây gỗ mun. Vỏ cây mun có tác dụng khử độc rất tốt nên người uống không bị đau đầu và gây độc hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở do lợi nhuận không dùng men lá cây.
Thường muốn có rượu ngon phải ủ trên ba tháng, quý hơn nữa phải ủ ba năm tới khi có nước màu nâu sẫm uống có vị ngọt, vừa có vị đắng. Nếu làm đúng quy trình trên, mỗi năm chỉ sản xuất vài ngàn bình và chi phí cho loại rượu cần chính hiệu không dưới 100.000 đồng/vò (loại dung tích vừa phải). Tuy vậy, số cơ sở sản xuất rượu cần đúng quy trình này không nhiều. Phần lớn các cơ sở sản xuất theo kiểu đại trà, chạy theo số lượng, nên chất lượng giảm. Để cạnh tranh về giá cả, các cơ sở sản xuất rượu cần theo kiểu “mì ăn liền” với nguyên liệu là gạo nếp rẻ tiền, dùng men Trung Quốc chỉ ủ một tuần là đã xuất lò. Đó là chưa kể khi vào vụ với nhiều đơn đặt hàng, một vài cơ sở sản xuất còn cho đường kính để thúc đẩy quá trình lên men rồi tự gán cho thứ rượu lai căng đó cái mác “rượu cần dân tộc Hòa Bình“ rồi bán với giá bình dân 15 đến 50.000 đồng/vò. Việc sản xuất rượu cần “chợ” như hiện nay đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, sức khỏe cho người tiêu dùng. Về lâu dài làm mất uy tín một “thương hiệu“ của một mặt hàng có tiềm năng tiêu thụ lớn.
Do vậy, để thương hiệu rượu cần Hoà Bình mang đúng nghĩa cần có nhiều cơ sở sản xuất men hơn nữa. Đồng thời, ý thức của người làm rượu cần được nâng lên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh Hoà Bình. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh tại tổ 3, phường Phương Lâm (TPHB). Nhãn hiệu được bảo hộ tập thể không bảo hộ riêng. Màu sắc lô gô nhãn hiệu đỏ, vàng, trắng. 50 hộ SX-KD rượu cần ở TPHB, huyện Lương Sơn, Tân Lạc và Kỳ Sơn được sử dụng lô gô nhãn hiệu sản phẩm tập thể.
Ông Đỗ Văn Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội rượu cần tỉnh cho biết: Đây là căn cứ pháp lý và là cơ hội để rượu cần vươn xa hơn thị trường trong nước và thế giới. Trong thời gian tới, chúng tôi có những chế tài, ưu đãi riêng với những hộ sản xuất rượu cần trong Hiệp hội nhằm hướng tới sản xuất rượu ngày càng chất lượng mang đúng nghĩa với thương hiệu rượu cần Hoà Bình.
PHƯƠNG NGUYÊN - VietQ.vn
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học & Công nghệ
Chuyển đổiChuyển đổi Cảm xúcCảm xúc