Mó nước thiêng
Nhiều người cách khu vực mó Úi (thôn Nia, xã Yên Mông, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) chừng 1km không biết tới sự tồn tại của mó nước này với câu chuyện nước của mó Úi có thể trị được chứng đau ốm, nóng sốt, ra mồ hôi trộm, đêm ngủ hay giật mình cho trẻ dưới 6 tuổi. Thế nhưng, ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng... người ta lại mang cả can, đi xe ô tô tới đây để lấy nước về chữa bệnh cho con cháu họ.
Đó là lời trần tình của chính những nhân vật mà khi tôi hỏi thăm về mó Úi.
Phải hỏi thăm tới người thứ tư tôi mới nhận được tiếng “à” đầy phấn khởi của 1 chị chủ quán bán hàng tạp hóa:
“Mó ấy nằm trên đồi Bùi nhưng ở vị trí cao và đi vào sâu lắm, không biết các bạn có vào được không nếu không có người dẫn đi.
Tôi cũng nghe mọi người nói công dụng của nước ở đó nhưng cũng không biết thế nào”, chị này nhấn mạnh rồi chỉ cho chúng tôi đường tới nhà bà Nguyễn Thị Di (67 tuổi), 1 bà lang y bốc thuốc chữa bệnh ở xứ Mường và cũng là người tâm huyết với mó Úi.
Chúng tôi tới nhà bà lúc trời đã về trưa. Khi tôi hỏi về mó Úi, bà Di liên tục xua tay: “Tôi chỉ là 1 người đi chăn thả trâu, không phải là người trông coi mó Úi như nhiều người nhầm tưởng”.
Bà Di kể chuyện về mó nước Úi
Theo lời bà Di, từ nhiều năm nay, mó Úi đã trở thành “thần y” chữa bệnh cho nhiều trẻ em ở xứ Mường khỏi chứng giật mình.
Bản thân bà Di cũng không biết mó Úi có từ khi nào, bà chỉ biết từ khi mình sinh ra mó nước này đã tồn tại ở đây với công dụng chữa bệnh được lưu truyền và kiểm nghiệm thực tế.
Theo bà Di, rừng núi ở bản Mường trập trùng có rất nhiều cây thuốc quý. Có thể mạch nước ở mó Úi chạy qua khu đất có nhiều cây thuốc nên dòng nước ở mó Úi được rễ cây thuốc tiết nước ra hòa vào nguồn nước làm cho nước mó Úi luôn trong vắt, có vị ngọt và chữa được bệnh.
“Nhiều hôm đi chăn trâu, khát nước, tôi còn lấy cả nước đó uống. Muốn nhìn thấy nước trong phải đi vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn khi trâu bò chưa ra đồng hoặc đã được lùa về nhà.
Giờ này tôi không lên đó đâu phải tầm 1 – 2h chiều tôi mới đi thả trâu. Các bác lên đó mà không có người dẫn đường khó mà tìm được.
Gặp người đi đường, người tốt họ thật thà chỉ đường các bác còn tìm được tới nơi. Gặp người không tốt, họ chỉ các bác lại lên con suối khác thì mất công lắm”.
Nói rồi, bà Di gọi Huy (cháu nội bà Di – PV) làm người “hoa tiêu” cho tôi trên cung đường vượt qua những con dốc để đến với mó nước Úi.
Đường vào mó Úi
“Khoảng 10 năm trước, đây là khu rừng nguyên sinh cây cối um tùm, nhưng bây giờ người ta phá hết để trồng cây keo, đường đi vào cũng mới được tu sửa nên người đi lấy nước ngày càng đông”, vừa đi Huy vừa nói.
Dừng lại ở 1 mó nước rộng chừng 1m2, sâu khoảng 40cm, Huy bảo đó chính là mó nước thiêng mà dân làng vẫn nhắc tới.
“Nhìn thì chỉ như 1 vũng nước đọng chị nhỉ nhưng nước chảy không bao giờ cạn. Còn có cả dòng chảy bắt nguồn từ đây và chảy xuống dưới khe núi”, Huy quay sang tôi và khẽ cười.
Mó úi nhìn như vũng nước đọng nhưng theo lời đồn nước ở đó có khả năng chữa bệnh cho trẻ em
Dành nhiều thời gian để đi học, đây là dịp hiếm hoi Huy về gia đình sau khi đã học xong lớp 12 nhưng mỗi lần về, Huy lại đặc biệt quan tâm tới câu chuyện mó nước thiêng ở gần nhà mình.
Chỉ về phía nén hương vừa tàn, Huy thì thầm, cứ ngày rằm, mùng 1, anh trai của Huy lại lên đây thắp hương. Và anh ấy là người duy nhất hiện tại đang âm thầm làm công việc đó. Nhưng anh trai Huy lại là người khá kín tiếng trong việc chia sẻ lý do anh âm thầm làm công việc này.
Anh chỉ nói, đó là cái tâm và nếu ai không tin có thể lên đó đặt lễ 1, 2 nghìn đồng cũng được để xin nước về cho con cháu mình dùng thử sẽ biết mó nước có thực sự chữa được bệnh cho trẻ em hay không.
“Nước này có thể để vô thời hạn nên nếu bây giờ bạn chưa có con nhỏ thì đợi sau này có con, con bạn bị chứng giật mình, nóng sốt, bạn có thể lấy nước vuốt nhẹ cho bé là biết công dụng ngay.
Tuy nhiên sự đơn sơ của mó nước khiến nhiều người lầm tưởng đó chỉ như vũng nước đọng khiến tôi cũng suy nghĩ nhiều nhưng vì chủ nhân mảnh đất này chưa đồng ý cho xây bờ kè nên chúng tôi đành để nguyên trạng”, người đàn ông này chia sẻ.
Đổ về lấy 'nước thiêng'
Trên con đường 1 mình quay trở lại mó Úi để lấy nước, tôi gặp ông Duyên (người thôn Nia) đang đi chăn thả trâu. Ông đã ở cái tuổi gần 60 và nhà ông đông con cháu lắm.
“Nước ở đó chữa được bệnh cho trẻ em thật đấy. Con cháu tôi đứa nào bị ra mồ hôi trộm hay đêm ngủ giật mình tôi đều lên đó xin nước, về vuốt nhẹ lên người chúng là khỏi ngay”, ông Duyên kể.
Nói về câu chuyện của những người không tin vào sự “kì bí” của mó nước này, ông Duyên chỉ lắc đầu:
“Nhà họ có điều kiện kinh tế, họ chữa bằng thuốc này, thuốc nọ. Chúng tôi ở đây nghèo nên chỉ biết trông chờ vào sự kì diệu của thiên nhiên. Nhưng chuyện mó nước chữa được bệnh là có thật, còn những ai cho rằng đó là câu chuyện bịa đặt thì chính họ mới là bịa đặt”, ông Duyên vừa đi vừa nói.
Nước từ mó Úi còn chảy xuống cả khe núi
Cũng tỏ ra khá bức xúc khi có ai đó bỗng “quy chụp” cho sự “kì diệu” của “thần dược” nơi bản Mường thôn Nia, chị L. thở dài:
“Nhà tôi có 2 đứa con, đứa nào cũng được dùng nước ở mó Úi để đêm ngủ ngon giấc mà không bị giật mình. Có to tát gì đâu, chỉ cần 1 – 2 nghìn mang lên đó đặt lễ rồi xin nước là được.
Còn những người bảo nước ở đó không có khả năng chữa bệnh cho trẻ em thì chỉ là những lời bịa đặt. Chúng tôi sống ở đây lâu rồi, nhà tôi lại ở gần mó Úi chẳng lẽ chúng tôi không biết”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng thôn Nia cũng khẳng định chuyện mó nước Úi chữa được bệnh cho trẻ em là có thật và câu chuyện cũng như sự tồn tại của mó đó đã có từ nhiều đời nay.
“Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao nước ở mó Úi lại có thể chữa được bệnh mà chỉ qua kiểm nghiệm thực tế chúng tôi thấy đúng điều ấy. Những năm gần đây, người dân các nơi về lấy nước ngày 1 đông.
Rất mong các nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu để sớm giúp người dân tìm ra câu trả lời về tác dụng của nước mó Úi. Biết đâu đây là nguồn dược liệu quý để có biện pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý”, ông Hồng chia sẻ.
Nguyễn Huệ - phununews.vn
Chuyển đổiChuyển đổi Cảm xúcCảm xúc