Công ty khai thác phải chịu trách nhiệm
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm với khó khăn chồng chất, sáng nay 23/11, nạn nhân cuối cùng vụ sập hầm than ở Hòa Bình đã được tìm thấy. Tin tức này khiến dư luận xã hội nhẹ nhõm phần nào nhưng bên cạnh đó là những câu hỏi quanh trách nhiệm để xảy ra sự việc đau lòng thuộc về ai?
Trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói: “Đây là một công trình tư nhân, một công trình khai thác lại mỏ than đã cũ. Thế nhưng, việc cấp giấy phép cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động thì chưa được chú trọng.
Chính vì vậy, để xảy ra sự việc đau lòng này gây ra thiệt hại rất lớn về mặt công sức, vật chất của Nhà nước và hơn hết là lấy đi tính mạng của nhiều người. Đây là thiệt hại nặng nề nhất.
Do đó, tất nhiên phải có những quy định để bồi hoàn. Nhưng sự bồi hoàn đó không bù lại được, nhất là với tính mạng con người đã mất đi. Thiệt hại về con người chính là thiệt hại đáng tiếc nhất trong câu chuyện thương tâm này.
Không những vậy, sự việc còn ảnh hưởng mức độ nào đó đến nguồn tài chính ngân sách của Nhà nước đang hạn hẹp.
Thêm nữa, dù có xử lý, đền bù thì cũng không khắc phục được hoàn toàn và quan trọng hơn, nó đã làm mất lòng tin của xã hội vào sự an toàn trong các công trình khai thác mỏ than như thế này.
Người lao động dường như không có gì để bảo vệ, nhất là với các công ty tư nhân”.
ĐB Cao Sỹ Kiêm nói trách nhiệm vụ sập hầm than ở Hòa Bình chủ yếu là của chủ đầu tư khai thác. Ảnh Dương Thu. |
Trách nhiệm thứ hai thuộc về sự quản lý của các cơ quan Nhà nước trong việc cấp giấy phép, kiểm tra quá trình vận hành để xảy ra những sự thiếu an toàn gây ra hậu quả nặng nề như vừa qua”, ĐB Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Quản lý lỏng lẻo
“Rõ ràng, trong việc quản lý Nhà nước với các công việc khai thác mỏ hiện nay trên cả nước có sự lỏng lẻo. Chính vì thế, có những nơi để xảy ra hậu quả và xử lý gặp rất nhiều khó khăn”, ĐB Cao Sỹ Kiêm đưa quan điểm.
Liên quan đến giải pháp nào cho vấn đề khai thác mỏ, nhất là các mỏ than nhỏ lẻ, tự phát hiện nay ở nhiều vùng miền, ĐB Cao Sỹ Kiêm nói: “Giải pháp trong câu chuyện này mang tính đặc thù, nó không giống với giải pháp trong những vấn đề khác.
Chúng ta không những phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc trong việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khai thác liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân. Mà chúng ta cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trong quá trình thực hiện để khắc phục ngay những bất cập nảy sinh, tránh để sự việc đi tới những hậu quả đau lòng như thời gian qua và cụ thể là vụ sập hầm than ở Hòa Bình.
“Tôi phải nhắc lại, trách nhiệm đầu tiên trong việc sập hầm than ở Hòa Bình là của chủ khai thác mỏ than đó, sau đến là các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần phải xử lý ngay và nghiêm túc sau sự việc này”, ĐB Cao Sỹ Kiêm khẳng định.
Vụ sập hầm lò than là một lời cảnh báo cho việc khai thác than. |
Như báo Người Đưa Tin đã thông tin, vào hồi 8h ngày 18/11, đã xảy ra vụ sập hầm mỏ than thuộc địa bàn xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Thời điểm xảy ra vụ việc có 7 người trong hầm thì 4 người kịp chạy thoát ra ngoài, 3 người còn lại trong đống đổ nát.
Sau đó, một nạn nhân đã được tìm thấy và đưa ra ngoài là anh Bùi Văn Th. (SN 1979) trú tại xã Phú Lương, Lạc Sơn (Hòa Bình).
Nạn nhân thứ hai được tìm thấy vào lúc 17h40 ngày 21/11, là anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992).
Thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sập hầm than đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy vào lúc 5h sáng hôm nay 23/11.
Dương Thu - Báo Người Đưa Tin
Chuyển đổiChuyển đổi Cảm xúcCảm xúc